Lần đi kiểm tra bầu đầu tiên ở bệnh viện National University Hospital ở Singapore cách đây 4 năm, y tá đưa mình một bản Trắc nghiệm dài các câu hỏi như là: bạn có khóc, buồn, cảm thấy chán nản hơn bình thường không?.v.v.. Mình nghĩ mấy câu hỏi quái gì thế này? Sau đó 1-2 tuần, một tối cãi nhau với người yêu (lúc đấy vẫn chưa cưới) và gục xuống khóc lóc thảm thiết như vai nữ chính trong phim Hàn Quốc, mình mới chợt nhận ra lý do của các câu hỏi đó và tìm hiểu về trầm cảm khi mang bầu. Lần bầu thứ hai này còn khủng hơn, cơ thể không có đủ năng lượng, tinh thần và cảm hứng để làm gì vì cả ngày chóng mặt, chỉ nằm bẹp nhìn lên trần nhà và chạy ra chạy vào ôm toilét nôn 5-6 lần/ngày mà trong tuần vẫn phải lết đi làm, đi gặp khách hàng vì đúng đợt chốt chỉ tiêu. Cảm giác hờn cả thế giới, trước tiên là hờn chính mình vì vốn luôn tay luôn chân làm gì đó và còn bao nhiêu việc muốn làm, có trách nhiệm muốn hoàn thành mà không làm được, dễ rơi vào suy nghĩ tiêu cực, cáu giận, trách cứ, tủi thân. Chếnh choáng mất một thời gian đầu, sau đó mình trấn tĩnh lại. 1. Tức là, giảm bớt lượng công việc, từ chối, gác lại những việc còn đang muốn làm, chỉ duy trì làm những việc tối thiểu phải làm. Ai đó yêu cầu điều gì mà mình thấy quá sức thì từ chối và nêu lý do. Đón nhận thực tế là hiện mình không đủ sức và có những dang dở, thiếu sót đành phải để xảy ra. 2. Có những khoảng khắc tâm trạng rơi tụt xuống hẫng chơi vơi, trong đầu có thể xuất hiện những suy nghĩ bi quan quá mức về bản thân hoặc người khác, hay những nỗi sợ vô hình xuất hiện. Tự nhắc mình rằng đó không phải là thực tế mà là do mình đang bị mất cân bằng về hóc-môn. Trường hợp của mình là có đi khám và thử máu thì chỉ số tuyến giáp bị thấp. Tuyến giáp có chức năng điều chỉnh cân bằng lượng hóc-môn. Khi việc điều chỉnh này bị mất cân bằng, cao hoặc thấp hơn bình thường, thì thể chất và tâm trạng của người phụ nữ bị ảnh hưởng rất nhiều. (VD như sắp đến kỳ kinh, một số phụ nữ dễ bị cáu kỉnh và khó chịu...) 3. Thay vì nói với mình rằng: “Mình không nên bị căng thẳng vì như thế sẽ làm cho em bé cũng bị căng thẳng” vì cách nói này thực ra có thể khiến bạn căng thẳng thêm vì cho rằng mình “không được căng thẳng!” nhưng tôi không thể dừng căng thẳng được!!! Thay vì thế, hãy nói theo cách tích cực: “Nếu mình thả lỏng, dễ chịu thì em bé cũng sẽ cảm thấy dễ chịu” rồi hít thở đều, thả lỏng từng phần trên cơ thể, đi ngủ sớm nếu được. 4. Làm bài tập biết ơn, mỗi ngày viết ra ít nhất 5 điều mà mình biết ơn để không bị tập trung quá vào những điều tiêu cực, cân bằng lại với những suy nghĩ nhìn nhận tích cực, có khi chỉ là một chút giúp đỡ của ai đó không quen khi thấy mình mang bầu cũng khiến mình biết ơn và vui. Tóm lại là tránh tự tạo và nhận áp lực từ người khác vào mình; luôn trấn tĩnh mình rằng chỉ là do yếu tố hóc-môn của cơ thể đuối khiến tinh thần bị kéo xuống thế thôi, chứ mọi thứ không tệ đến mức như là mình cảm thấy, vẫn có những điều tích cực khác. Kết quả là lần này anh chồng bất ngờ vì thấy vợ mệt hơn lần bầu trước nhưng không căng thẳng mà tương đối dễ chịu. Chứ như lần bầu đầu tiên thì sợ quá, tính định không để vợ bầu thêm lần nữa, chỉ có một đứa thôi. Nên trước đây khi nhắc đến chuyện có đứa thứ hai, chồng hỏi “Với ai?”, mình trêu “Lần này, là với anh” Ngày trong lành🌱☘️
TRẦM CẢM KHI BẦU - MỘT SỐ CÁCH ĐỂ CÂN BẰNG
Updated: Oct 26, 2020