top of page

LIỆU CON BẠN HOẶC BẠN CÓ ĐANG BỊ LẠM DỤNG - HOẶC- CHÍNH BẠN ĐANG LẠM DỤNG TRẺ EM HOẶC NGƯỜI KHÁC?

Writer: Giang KateGiang Kate

Updated: Oct 1, 2020


Có thể sẽ có ý kiến cho rằng tôi đang nghiêm trọng hóa vấn đề. Nhưng chính vì chúng ta chưa nhìn nhận, hiểu biết đầy đủ có những loại, mức độ Lạm dụng nào và tính nghiêm trọng của Lạm dụng nên thiếu cảnh giác mà để nó xảy ra thường xuyên. Vì mỗi đứa trẻ, mỗi người sẽ có độ nhạy cảm và khả năng xử lý khác nhau, khi xảy ra, em bé hoặc người bị lạm dụng thường âm thầm chịu, đôi khi dù là ở mức độ nhẹ vẫn có thể dẫn đến trầm cảm, tự tử. Và cho dù người lạm dụng thực hiện hành vi đó ở mức độ nào, nghiêm trọng hay chưa, thì thực tế là: HÀNH VI ĐÓ CÓ GÂY TỔN THƯƠNG!! – và những hành vi gây tổn thương đều cần phải được chấm dứt!!


Và thay vì chỉ trích nền giáo dục còn nhiều bất cập và mong chờ sự thay đổi, chúng ta cần tự tìm giải pháp là tự học thêm và cùng chia sẻ trong cộng đồng để nhận thức về LẠM DỤNG để không trở thành phạm nhân và nạn nhân của lạm dụng


Bạn đã hiểu đủ về nghĩa về hành vi Lạm dụng? - Có phải nó chỉ diễn ra dưới hình thức tình dục hoặc bạo hành.

Nhưng KHÔNG CHỈ CÓ VẬY, còn nhiều hình thức lạm dụng khác mà chúng ta không nhận thức được hết cho con cái và cả bản thân mình để có cách bảo vệ và ngăn chặn. Ví dụ như việc lạm dụng tình dục, thường được hiểu là cưỡng hiếp, nhưng tôi cho rằng hiểu vậy vẫn chưa đầy đủ.


HIỂU VỀ LẠM DỤNG


Lạm dụng – Abuse, tôi tạm dịch là lạm dụng nhưng tôi thấy dịch vậy vẫn chưa đủ nghĩa của từ này, Abuse được hiểu như sau:


Lạm dụng là hành vi sử dụng hành động hoặc thậm chí lời nói, gây ra tổn thương về cơ thể, tâm lý hoặc cảm xúc của người khác, mà những người bị lạm dụng không muốn hoặc không có khả năng để chống đỡ. Hành vi có thể xảy ra một hoặc nhiều lần, nhưng những tổn thương tâm lý mà nó để lại, có thể là mãi mãi...


Đối tượng có nguy cơ cao bị lạm dụng là phụ nữ hoặc trẻ em, nhưng cả nam giới hay bất kì ai đều có thể bị lạm dụng. Lạm dụng thường khó có thể tự chấm dứt, nhưng có nhiều cách giúp bạn thoát ra được, trước tiên là bạn cần hiểu và nhận biết liệu mình đã hoặc đang bị lạm dụng.


Đây là việc rất nhạy cảm nên người bị lạm dụng thường không dám chia sẻ với ai mà chỉ âm thầm chịu đựng. Đồng thời, nhiều khi, khó nhận biết và hiểu rõ ràng thế nào là lạm dụng.


Một trong những lý do khó nhận biết cho nạn nhân là đôi khi người lạm dụng xem chừng không hề có vẻ là kẻ lạm dụng. Đó có thể là một người thường ngày rất tốt, họ có thể rất quan tâm chăm sóc, biết thương yêu và là người có học vấn cao. Còn người lạm dụng không ý thức mình đang lạm dụng trẻ em hoặc người khác vì những bao biện như tôi không muốn làm vậy mà hành vi đó là gây ra bởi thói quen, tôi bị ảnh hưởng từ người khác hoặc từ quá khứ, thậm chí, những hành vi lạm dụng còn khoác áo nhân danh cho tình yêu thương quan tâm đến người kia.


CÁC LOẠI HÀNH VI LẠM DỤNG


· Lạm dụng cơ thể (Physical abuse) là khi ai đó gây tổn thương cho người khác một cách vật lý học. Đánh, tát, đấm, đạp, đốt, giật tóc, chọc, cắt là các hình thức ví dụ của lạm dụng cơ thể. Nó có thể gây ra thâm tím, bỏng và các dấu hiệu khác. Rất thường gặp, người bị lạm dụng sẽ dùng quần áo, trang điểm để che giấu các vết thương do bị lạm dụng.


· Lạm dụng cảm xúc (Emotional abuse) là khi một người xúc phạm, chỉ trích và dùng những lời nói khiến cho người kia tổn thương, cảm thấy tồi tệ. Người bị lạm dụng cảm xúc có thể liên tục bị nghe những lời chỉ trích hay chê trách là xấu xí, béo, ngu dốt, vô dụng hoặc các từ khác. Lạm dụng cảm xúc có thể xảy ra riêng giữa cá nhân, hoặc trước mặt nhiều người.


· Lạm dụng tâm lý (Psychological abuse) là dùng việc đe dọa hoặc những hành động dọa nạt và giảm khả năng tự vệ của người khác – những người yếu hơn mà bị phụ thuộc vào sự giúp đỡ và hỗ trợ. Kẻ lạm dụng tâm lý người khác thường có khuynh hướng làm cho nạn nhân dần mất kết nối với cộng đồng thực tế để người đó bị phụ thuộc vào mình và mình có quyền kiểm soát và thao túng họ. Kẻ lạm dụng có thể dọa nạt sẽ trừng phạt hoặc làm hại nạn nhân hoặc người thân của họ.


· Lạm dụng tình dục (Sexual abuse) là cưỡng bức, thúc đẩy, dụ dỗ làm việc gì đó liên quan đến tình dục MÀ NGƯỜI ĐÓ KHÔNG MUỐN. Cưỡng hiếp và loạn luân là một trong những hình thức của lạm dụng tình dục.


Ngoài ra, lạm dụng tình dục bao gồm tất cả những hành vi thúc đẩy, dụ dỗ nhằm xâm phạm cơ thể, không chỉ là xâm phạm về bộ phận sinh dục mà có thể chỉ là cả các bộ phận khác trên cơ thể, hoặc ép người khác xem phim hoặc thực hiện các hành động tình dục nhằm thoả mãn, kiếm tiền hoặc thu lợi cho bản thân mình MÀ NGƯỜI ĐÓ KHÔNG MUỐN.


PHÂN BIỆT HÀNH VI LẠM DỤNG - VỚI- HÀNH VI PHẢN ỨNG THÁI QUÁ DO MẤT KIỂM SOÁT TỨC THỜI


Trong quá trình lạm dụng, ban đầu có thể xuất hiện trạng thái căng thẳng khó kiểm soát, sau đó, hành vi gây tổn thương về cơ thể hoặc tâm lý như trên sẽ diễn ra. Sau khi hành vi lạm dụng diễn ra, có thể sẽ có một khoảng tĩnh lại. Người lạm dụng có thể sẽ xin lỗi, hứa sẽ không bao giờ để hành động đó xảy ra nữa hoặc hứa là sẽ thay đổi. Người lạm dụng có thể sẽ tặng quà hoặc cư xử rất tốt và dễ chịu để đền bù lại cho hành vi của mình. Đây có thể được coi là hành vi thái quá xảy ra vì bị mất kiểm soát tức thời. NHƯNG đó sẽ là hành vi lạm dụng, nếu sau đó lại lặp đi lặp lại nhiều lần, thậm chí có thể ngày càng ở cường độ cao hơn.


Ví dụ: nhắc đến lạm dụng tình dục, người ta thường nghĩ đến lạm dụng tình dục trẻ em vì trẻ em chưa ý thức được về hành vi liên quan đến tình dục hoặc phụ nữ bị cưỡng hiếp. Nhưng một người nam/nữ dù chỉ là thúc đẩy, lôi kéo, dụ dỗ người khác thực hiện hành vi tình dục với mình mà người kia không muốn. Sau đó, hành vi đó gây tổn thương về tâm lý, cảm xúc cho người kia, thì hành vi đó cũng vẫn sẽ coi là lạm dụng tình dục dù là ở mức độ nhẹ. Chính vì chúng ta chưa ý thức đủ về việc này, nên có rất nhiều trường hợp các em gái và cả phụ nữ bị lạm dụng ở mức độ nhẹ nhưng sau đó họ bị ảnh hưởng tâm lý nặng nề mà không biết chia sẻ với ai. Và ngay cả người lạm dụng cũng không đủ ý thức rằng đó là hành vi lạm dụng.


Hoặc một người chồng/vợ trong lúc bất đồng có những hành động bạo lực như đánh, tát, đấm, đá, xô đẩy... Đó có thể là hành vi mất kiểm soát tức thời khi nóng giận, tuy nhiên, nếu việc đó diễn ra nhiều lần, lặp đi lặp lại thậm chí với cường độ ngày càng nặng hơn, thi đó là hành vi lạm dụng, bạo hành gia đình.


Hoặc một số cha mẹ có thể lựa chọn phương pháp đánh, phạt con để con biết khuôn khổ. Tôi sẽ không đi sâu về việc lựa chọn phương pháp dạy con, nhưng điều tôi muốn đề cập là: nếu hành vi đánh hay mắng chửi con diễn ra liên tục hoặc thường xuyên, dần ở cường độ cao khiến con cảm thấy tồi tệ, tổn thương về cơ thể, tâm lý, hoặc cảm xúc thì đó chính là lạm dụng. Hành vi lạm dụng cơ thể/ cảm xúc trẻ em bằng hành động bằng lời nói có thể gây ra mất tự tin, chứng tự kỷ trong quá trình lớn lên và cũng có nguy cơ khiến trẻ không đủ khả năng nhận biết xử lý tình huống trong những năm sau của cuộc đời do những vết thương tâm lý trong tuổi thơ.


Tôi tin là ai chúng ra cũng rất yêu thương con, không ai có chủ ý lạm dụng con trẻ vì vậy mong chúng ta hãy tìm hiểu kỹ hơn về tác hại của việc đánh, mắng chửi con để cân nhắc và tìm cách cân bằng trong phương pháp giáo dục. Ngoài ra, việc bị lạm dụng trong tuổi thơ có thể dẫn đến việc con bạn không nhận biết được đó là hành vi lạm dụng, con có nguy cơ để những người khác hành động và gây tổn thương mà không biết lên tiếng. Như nhiều sự việc xảy ra ở các trường học, giáo viên xâm phạm lạm dụng các em cho đến khi bị phát hiện thay vì các em biết lên tiếng kêu cứu với cha mẹ.


NGĂN NGỪA VÀ NGĂN CHẶN


Đây là vấn đề rất nhạy cảm, người bị lạm dụng thường không dám chia sẻ với ai mà chỉ âm thầm chịu đựng nên sẽ càng khó ngăn chặn, chấm dứt lạm dụng. Giải pháp của tôi cho vấn đề này như sau:


1. Chúng ta cần CHỦ ĐỘNG TÌM HIỂU CHO MÌNH VÀ CHIA SẺ VỚI CON CÁI, NGƯỜI THÂN VÀ CỘNG ĐỒNG nhằm hiểu đầy đủ hơn thế nào là các hành vị lạm dụng và có những loại hành vi lạm dụng nào. Tôi đã thử tìm hiểu bằng tiếng Việt về lạm dụng nhưng chủ yếu tôi thấy nhắc đến lạm dụng tình dục trẻ em, chứ không có nhiều bài viết nói về các loại hành vi lạm dụng khác như nêu trên.


2. Từ đó, NHẬN THỨC ĐƯỢC MÌNH CÓ ĐANG BỊ LẠM DỤNG hoặc ĐANG LẠM DỤNG NGƯỜI KHÁC ở loại, mức độ nào?


3. Sau khi nhận biết được, thì CẦN HÀNH ĐỘNG để thoát khỏi nó, chấm dứt, không để việc bị lạm dụng hoặc lạm dụng người khác tiếp tục diễn ra.


4. Thường người bị lạm dụng sẽ không dám lên tiếng và họ rất khó có thể tự hàn gắn tổn thương. Người lạm dụng cũng khó có thể tự chấm dứt hành vi lạm dụng ngay cả khi họ ý thức đó là hành vi sai và gây tổn thương.


Khi đó, bạn cần phải tìm được một người đáng tin cậy hoặc chuyên gia tâm lý để chia sẻ, lắng nghe, đưa ra nhìn nhận khách quan đa chiều, và hướng dẫn bạn thoát ra đừng đắm chìm vào tâm trạng tiêu cực, buồn, trách, tức giận mình hay người khác hay trầm cảm, bạn cần NHỮNG BÀI TẬP TÂM LÝ TÍCH CỰC ĐỂ HÀN GẮN TỔN THƯƠNG HOẶC THAY ĐỔI HÀNH VI. Hãy tự tìm đọc thêm các tài liệu để tự giúp mình; tuy nhiên cách tốt nhất là tìm được một người đáng tin tưởng và có hiểu biết về tâm lý để chia sẻ tìm hướng giải quyết.


KẾT LUẬN CHO BẢN THÂN TÔI


Sau khi tự mình tìm hiểu về điều này, tôi nhận ra rằng, trước tất cả những thứ khác mà tôi có thể dạy con, thì ĐIỀU ĐẦU TIÊN TÔI CẦN DẠY CON càng sớm càng tốt khi con tôi bắt đầu có khả năng hiểu hơn những gì tôi truyền đạt, đó là tôi cần dạy con hiểu THẾ NÀO LÀ CÁC HÀNH VỊ LẠM DỤNG và biết cách NÓI KHÔNG với các hành vi có nguy cơ này. Và tôi sẽ nói với con rằng: con cần chia sẻ với cha mẹ ngay nếu như con thấy CÓ ĐIỀU GÌ ĐÓ KHÔNG ỔN, cha mẹ luôn sẵn sằng lắng nghe và chia sẻ thắc mắc của con ngay lập tức và bất cứ lúc nào!!


Và hành động thực tế là luôn cảnh giác, thường xuyên quan sát, hỏi, phát hiện những vết có dấu hiệu thương tổn trên cơ thể hoặc những hành vi, biểu hiện bất thường của con và tìm hiểu xem đó chỉ là nguyên nhân thông thường hay bất thường để kịp thời giúp đỡ, can thiệp.


Tôi rất quan tâm đến các vấn đề về phụ nữ và trẻ em, những vết thương tâm lý và các giải pháp tích cực cho cuộc sống, tôi sẽ tiếp tục chia sẻ những vấn đề này!.


(Bài viết có phần dịch từ tài liệu tham khảo)


Comments


bottom of page