Tôi sẽ viết lại truyện cổ tích là:
Đám cưới của hoàng tử và công chúa tưng bừng diễn ra 7 ngày 7 đêm. Họ sống thật hạnh phúc rồi vài năm sau có những đứa con rất đáng yêu. Nhưng bất chợt một ngày giông bão, con quái vật xuất hiện và bỏ bùa hoàng tử, công chúa. Họ bắt đầu thể hiện sự khó chịu với nhau, rồi cãi vã, trách móc nhau và đòi chia tay nhau. Nhưng sau đó, tình yêu vốn có đã thức tỉnh họ và họ đã tiêu diệt chết con quái vật rồi sống hạnh phúc trọn vẹn bên nhau đến tận lúc lìa đời.
Hoặc nếu có thể viết lại lời nguyện trong lễ kết hôn thì tôi sẽ viết lại như thế này:
Con có sẵn sàng mãi yêu thương và chấp nhận người này làm vợ/chồng kể cả khi người này mệt mỏi, căng thẳng, khó chịu, người này sẽ đổ rác đó lên con không?
Con có sẵn sàng tha thứ cho người này nếu sau này người này có những lúc quá mệt mỏi, căng thẳng mà mất kiểm soát khiến lỡ lời hoặc hành động làm tổn thương con không?
Hờ hờ Có lẽ đó mới là sự thật của những cuộc hôn nhân 😅 mà lẽ ra chúng ta cần chuẩn bị tinh thần và kiến thức để biết thấu hiểu, hoà giải bình yên và yêu thương.
Sự thật là chúng tôi cũng làm tổn thương nhau. Rồi bất chợt trong một lần cãi nhau mà tôi khóc và giận đến run cả người, tôi chợt nhận ra: “Mâu thuẫn là bình thường!”
“MÂU THUẪN LÀ BÌNH THƯỜNG ! ”
Có những cặp đôi chẳng bao giờ cãi nhau mà mãi hạnh phúc. Có những cặp đôi chẳng bao giờ cãi nhau mà lại đùng phát chia tay. Hoặc có những cặp đôi cãi nhau suốt mà vẫn cứ yêu nhau phát điên lên được. Mỗi cặp đôi là một phiên bản. Và mỗi chúng ta cũng là một phiên bản khác nhau. Nên sự khác nhau giữa hai cá nhân dẫn đến mẫu thuẫn là chuyện “bình thường”.
Ngay lúc mâu thuẫn xảy ra, có thể có lúc chúng ta không kiểm soát được bản thân và giải quyết được mâu thuẫn. Rồi cho rằng nó thật mệt mỏi, chán nản, tức giận và muốn vứt bỏ, thậm chí tổn thương nhau. Nhưng bạn biết không? Mâu thuẫn không phải là vấn đề, mà là cách chúng ta giải quyết mâu thuẫn theo chiều hướng xấu hơn, đổ vỡ chia tay hay theo hướng tích cực, xây dựng gắn bó hơn mới là vấn đề.
Hãy xem mâu thuẫn là bình thường!
NGUYÊN NHÂN
Hãy tìm hiểu tại sao lại có sự khác biệt, bởi bản chất của mâu thuẫn là do sự khác biệt về suy nghĩ, cách xử sự, nền tảng giáo dục, hoàn cảnh lớn lên, thói quen trong gia đình trước đây, văn hoá, ngôn ngữ ..v.v..
Nếu bạn đã cố gắng hoà giải một cách tích cực, nhớ nhé, MỘT CÁCH TÍCH CỰC chứ không phải là MỘT CÁCH ÁP LỰC, mà vẫn không hoà giải và đồng điệu được, thì hẵng cân nhắc đến việc chia tay giải thoát cho nhau.
Nhưng trước tiên, hãy coi mâu thuẫn là bình thường, TÌM HIỂU nguyên nhân của sự khác biệt rồi mở lời GIẢI THÍCH có tính xây dựng với nhau trước đã. Ai mở lời trước thực ra chẳng quan trọng đâu, quan trọng nhất là nếu ta sống cùng nhau thì sống sao cho thoải mái thôi.
THA THỨ
Cuối cùng, hãy học cách tha thứ. Học cách tha thứ cho nhau. Tha thứ cho những lúc chúng ta quá căng thẳng, mệt mỏi, hay khủng hoảng tinh thần, thiếu tỉnh táo mà đã làm tổn thương nhau.
Hãy nhìn vào người đó và tâm hồn người đó, CẢM NHẬN được tình yêu và sự yêu thương của anh ấy hay cô ấy dành cho mình và mình dành cho người đó. Tôi tin là chúng ta đã đến với nhau bằng tình yêu và niềm tin vào tình yêu đó, dù là nó đang được thử thách. Hãy vượt qua thử thách này, bạn nhé!
Tôi viết những dòng này là cho chính mình. Tôi đang học, đang học trong cuộc hôn nhân của mình. Và tôi biết, còn nhiều điều phía trước để tôi học tiếp.
P/S: Giang sẽ dần chia sẻ các hành động cụ thể để giao tiếp tích cực trong những bài viết tiếp theo. Nếu bạn có điều gì muốn hỏi hoặc chia sẻ thì comment cho Giang biết nhé.
Comments