Mà hãy thấu hiểu cảm xúc!
Cái thủa ngày xửa ngày xưa, khi vương quốc hoa hồng vẫn còn ở trong bóng tối, mình cũng đã có lần ngờ vực bản thân là “có gì đó không ổn” với mình khi một người bạn nhận xét là “Sao chị phải nhạy cảm, nghĩ nhiều về cuộc sống, về con người thế làm gì!”. Sau này, khi mình học và làm nghề tâm lý trị liệu thì mình mới hiểu ra lý do vì sao và thấy rằng chẳng có gì sai cả. Chẳng qua là lúc đó mình đang có những tổn thương chưa được chữa lành, có một năng lượng và đam mê chưa được sử dụng đúng chỗ.
💚Bạn nhạy cảm vì bạn có một tâm hồn nhạy cảm cao. Thế thì có tâm hồn nhạy cảm cao có phải là không tốt không? Hay tôi nên tắt bộ sóng nhạy cảm đó của mình đi?
Chẳng sao cả nếu bạn là người nhạy cảm. Có khi nó còn làm cho cuộc sống của bạn thật tuyệt. Bạn cảm nhận được những rung động của của cuộc sống này. Trái tim bạn có thể sung sướng và ngập hạnh phúc một cách dễ dàng hơn so với người khác. Đôi khi với bạn, hạnh phúc đơn giản chỉ là bắt gặp một bông hoa đẹp, nhìn thấy bầu trời xanh biếc.
Thế giới này cần có những người có độ nhạy tâm hồn ở mức vừa vừa, vì họ là người bảo vệ, duy trì thế giới. Còn những người có tâm hồn nhạy cảm cao như bạn, thường là những người có ước mơ và có khả năng sáng tạo. Không có gì sai với việc mình có một tâm hồn nhạy cảm. Bạn là người kiến tạo những điều mới mẻ, phát triển cho thế giới này. Thế giới này cần rất nhiều tuýp người khác nhau để bảo vệ, duy trì, sáng tạo và phát triển. Nếu không có thiên tài anh em nhà Wright nhìn con chim bay trên trời và mơ ước thì làm sao giờ chúng ta có máy bay để biến giấc mơ từ ngàn xưa của loài người thành sự thật?
💚Nhưng việc nhạy cảm quá khiến mình dễ bị tổn thương hơn, có khi có những cảm xúc tiêu cực làm mình kiệt quệ năng lượng. Thế có phải là tinh thần yếu không?
Đôi khi, một số người nhạy cảm quá không phải vì họ có tâm hồn nhạy cảm cao mà do có những tổn thương hoặc ấn tượng tiêu cực trong tiềm thức về điều gì đó tương tự trong quá khứ. Nếu để ý, bạn sẽ thấy bạn thường có cảm giác nhạy cảm tiêu cực quá mức hay là “dị ứng” phản ứng thái quá với một số điều hay sự việc, tình huống có tính tương tự giống nhau.
Nhiều người cho rằng cần học cách kiềm chế, quản lý cảm xúc. Nhưng khi nghiên cứu về tâm lý, cảm xúc của con người thì tôi mới hiểu ra rằng:
Mọi cảm xúc, suy nghĩ, hành vi đều có lý do cho sự xuất hiện và tồn tại của nó.
Ví dụ như khi mình làm trị liệu cho một khách hàng bị rối loạn ám ảnh xã hội, sợ hãi khi ra đám đông, dễ bị mất bình tĩnh không thể nói ra suy nghĩ, cảm xúc của mình. Đó là bởi vì bạn ấy đã lớn lên trong môi trường gia đình mà bố gia trưởng luôn đè nén con cái không cho phép con được nói ra suy nghĩ, cảm xúc. Nếu con dám nói thì sẽ bị mắng, chửi thậm chí có khi là đánh đập. Khiến cho người đó từ bé đã dần bị mất khả năng diễn đạt bộc lộ, về mặt thể chất khi muốn nói điều gì đó còn bị nghẽn, ức chế ở phần cổ họng và luôn có cảm giác mình rằng người yếu thế hơn người kia. Hoặc cảm giác luôn tự ti, mặc cảm vì từ bé mẹ luôn dạy dỗ muốn con phải vươn lên bằng cách chì chiết so sánh con với những người khác khiến con luôn cảm thấy kém cỏi, vô dụng, không có giá trị, không đáng được yêu thương, tôn trọng.
Chúng ta không thể kiếm soát hoàn toàn cảm xúc khi chưa thấu hiểu nguyên nhân thực sự của nó là gì. Dù là có thể đè nén lúc này nhưng lúc khác rồi nó sẽ lại bùng lên và lần này bùng lên lại mạnh mẽ hơn lần trước.
Sâu trong tâm trí mỗi người, lý do chính thường là nhằm mục đích để bảo về hoặc ngăn chặn người đó khỏi rủi ro hay tổn thương nào đó đã từng có (bạn có thể tìm đọc về thuyết 8 cơ chế phòng vệ của Freud). Việc của mình cần làm là tìm hiểu lý do sâu xa của sự bảo vệ này là gì. Khi hiểu được nguyên nhân, lý do gốc rễ thì sẽ tìm được cách chữa lành bằng yêu thương, học được bài học và tìm được giải pháp, cách phản hồi phù hợp, an lành hơn.
“Đó có thể là một biểu hiện của tình yêu, hoặc là một tiếng khóc kêu cứu” - Virginia Satir.
Đừng kiềm chế cảm xúc
Mà hãy thấu hiểu cảm xúc!
Comments