Đau buồn vì mất mát không chỉ là khi ta mất đi một ai đó qua đời, mất mát còn diễn ra trong cuộc sống hàng ngày ví dụ như về tinh thần là khi bị mất việc, đổ vỡ mối quan hệ, bạn bè, chia tay người yêu, ly hôn hay mất đi vật chất như nhà cửa, tài sản, đồ đạc giá trị ..v.v ...
Học cách đối diện và hoà giải với nỗi đau và mất mát trong cuộc sống là điều quan trọng để sống một cuộc sống lành mạnh. Những trải nghiệm cảm xúc về mất mát có thể không lần lượt theo thứ tự như dưới đây mà có thể lẫn lộn và xáo trộn, nhưng thông thường có 7 giai đoạn như sau:
1️⃣.Bị sốc và phủ nhận sự thật.
Bị sốc, hụt hẫng khi mất đi một điều quen thuộc, một mối quan hệ có ý nghĩa. Vì không muốn điều đó xảy ra nên dẫn đến muốn chối bỏ, phủ nhận sự thật.
2️⃣Đau đớn và phủ nhận cảm xúc.
Tiếp tục trải nghiệm sự mất mát trong cuộc sống hàng ngày, khiến cho buộc phải đối diện mà trong lòng lại không muốn. Dẫn đến phủ nhận cảm xúc, phủ nhận nỗi đau, cảm thấy trống rỗng.
3️⃣.Tức giận và cố thương lượng.
Cao trào về cảm xúc khi không thể phủ nhận mãi. Chán nản, trách móc, tìm cách đổ lỗi lên người khác hoặc chính mình. Hoặc vùng vẫy tìm cách khác để thay thế hoặc đánh lạc hướng mình bằng các giải pháp khác, nhằm cố thoát ra cảm giác đang phải chịu, cố thay đổi sự thật.
4️⃣.Tuyệt vọng và Cô đơn.
Trải nghiệm cảm xúc bế tắc, trống rỗng hay tuyệt vọng khi bắt đầu nhận ra không thể làm gì được để tránh sự mất mát. Cảm giác tuyệt vọng có xu hướng dẫn đến rơi vào trạng thái trầm cảm và muốn thu mình tách biệt với bên ngoài. Trở nên càng cô đơn.
5️⃣.Chuyển mình.
Thay đổi trạng thái trầm cảm tuyệt vọng. Dần nhận ra mình không thể tiếp tục sống như thế này nữa, bắt đầu cảm thấy mong muốn thay đổi, nhận ra mình cần điều chỉnh cuộc sống sau sự mất mát.
6️⃣.Tái xây dựng và hành động.
Tìm kiếm và hành động thực hiện những giải pháp cụ thể và có khả năng. Tái xây dựng lại bản thân và cuộc sống.
7️⃣.Chấp nhận và hy vọng.
Chấp nhận sự mất mát, sự thiếu hụt như đó là một phần đã xảy ra trong cuộc đời mình. Hy vọng và bắt đầu tìm kiếm hướng đi cho hiện tại và tương lai phía trước.
Nếu kết quả thuận lợi: cá nhân sẽ chấp nhận thực tế về sự mất mát, quay trở lại trạng thái khỏe mạnh cả thể chất lẫn tinh thần, số lần và mức độ đau buồn giảm dần, lấy lại sự tự tin và yêu đời, tập trung vào hiện tại và tương lai, niềm vui trong sự trưởng thành sau mất mát, hình thành một con người mới, đã được phục hồi sau thương tổn, nhớ về nỗi đau với sự thấm thía, biết ơn và lưu giữ những hình ảnh đẹp.
Nếu kết quả không thuận lợi: cá nhân sẽ chấp nhận thực tế về sự mất mát nhưng vẫn có cảm giác đau khổ kéo dài, gây ra đau đớn trên cơ thể, cảm nhận tiêu cực về bản thân, có xu hướng thu mình, hay suy tư, dễ nhạy cảm, bị tổn thương và sợ hãi với những sự kiện mà mình cho là có nguy cơ chia cách, mất mát.
Đối diện với mất mát là điều không dễ dàng và có lẽ ai trong đời cũng có ít nhất một lần hoặc vài lần trải nghiệm. Sự trải nghiệm này chẳng ai muốn nhưng đôi khi trải nghiệm mất đi một điều gì đó hoặc một mối quan hệ nào đó là tất yếu xảy ra để ta học được những bài học cho mình, nhận ra điều nào mình còn thiếu để học hỏi, giá trị nào là thực sự trân quý để gìn giữ. Đặc biệt là nhận ra những điều gì mình không muốn để biết buông bỏ và hướng tới những điều tốt lành cho bản thân mình.
Ngày trong lành
Comments